Chuyển nhượng nhà bằng giấy ủy quyền? - Phiên bản dành cho mobile

Đăng nhập

Đăng ký thành viên

Quên mật khẩu

Chuyển nhượng nhà bằng giấy ủy quyền?

Ngày đăng tin: 01/07/2009 | 00:00
1. Chuyển nhượng nhà bằng giấy phép ủy quyền Năm 1982, mẹ tôi có mua một căn nhà do chủ nhà (có chồng là người nước ngoài đã chết trước giải phóng) xuất cảnh bán lại.

Đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu được thực hiện trong trường hợp người đang sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh minh họa: HTD.

Lúc đó, Sở Nhà đất TP.HCM có cấp cho mẹ tôi giấy ủy quyền nhà. Nay mẹ tôi 82 tuổi muốn làm thủ tục tặng cho nhà cho tôi thì có được không? Hợp đồng tặng cho nhà có cần phải đi công chứng hay không? Có buộc phải đến các phòng công chứng hay đến UBND quận cũng được?

dieuhien971968@yahoo.com

Ông NGUYỄN QUANG THẮNG, Trưởng phòng Công chứng số 1, TP.HCM: Theo khoản 2d Điều 10 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, giấy phép ủy quyền nhà ở do Sở Quản lý nhà đất và công trình công cộng, Sở Nhà đất hoặc UBND quận, huyện cấp, có nội dung công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho người thụ ủy được xem là một trong những loại giấy tờ hợp lệ về tạo lập nhà ở - đất ở.

Nếu căn nhà mà bạn nêu trong thư có giấy này thì mẹ bạn có thể làm thủ tục tặng cho nhà cho bạn. Theo khoản 3 Điều 93 Luật Nhà ở, Điều 2 Luật Công chứng, mẹ bạn phải đến các cơ quan công chứng (tùy lựa chọn) để được chứng nhận hợp đồng tặng cho nhà ở.

2. Đang khiếu nại vẫn phải giao đất?

Năm 2008, UBND huyện ra quyết định thu hồi của gia đình tôi một diện tích đất nông nghiệp để làm đường giao thông. Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất này nên tôi đã làm đơn khiếu nại nhiều lần nhưng chưa được huyện giải quyết. Vậy nay tôi có phải chấp hành quyết định thu hồi đất của huyện hay không?

thang.edu.gmail.com

Ông DƯ HUY QUANG, Phó Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Theo khoản 2 Điều 54 Nghị định 84 ngày 25-5-2007 của Chính phủ, trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng thực hiện quyết định thu hồi đất; cơ quan nhà nước đã ban hành quyết định thu hồi đất phải có quyết định hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có). Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là đúng pháp luật thì người có đất bị thu hồi phải chấp hành quyết định thu hồi đất.

Bạn có nghĩa vụ chấp hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện.

3. Phân chia tài sản chung

Năm 1996, cha mẹ tôi qua đời có để lại một căn nhà nhưng không có di chúc. Anh em chúng tôi thống nhất giao cho một người em quản lý, sử dụng nhà trên cho đến nay. Tại thời điểm này, chúng tôi lại không thể thỏa thuận việc phân chia nhà. Nếu chúng tôi khởi kiện thì tòa sẽ phân chia di sản trên như thế nào?

NGUYỄN VĂN MINH (Huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai)

Thẩm phán LÊ HOÀNG NGỌC HẢI, TAND quận Gò Vấp: Theo điểm 2.4 mục 1 Nghị quyết 02 ngày 10-8-2004 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

4. Thu theo giá chênh lệch

Năm 2003, tôi có mua một miếng đất nông nghiệp tại huyện Hóc Môn và đã được cấp giấy đỏ. Nay khi được phép chuyển một phần đất này sang đất ở thì tôi phải đóng bao nhiêu tiền sử dụng đất?

TRẦN THỊ HÀ PHƯƠNG (huyện Hóc Môn, TP.HCM)

Ông NGUYỄN YỂNG, Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 6: Khi chuyển từ đất nông nghiệp được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở, ông phải nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp

(Điều 6 Nghị định 198 ngày 3-12-2004 của Chính phủ).

5. Đòi lại nhà, đất sang nhượng trái phép?

Năm 1953, tôi và chồng tôi (đã mất năm 1991) có tạo lập được một căn nhà ngói tọa lạc trên 288 m2 đất ở quận 12, TP.HCM. Năm 1977, chúng tôi có kê khai nhà, đất này theo Chỉ thị 299. Gần đây, tôi phát hiện con gái tôi đã bán một phần nhà trên cho người khác và cắt bớt một phần đất trên cho đứa cháu ngoại của tôi. Việc mua bán này có đúng pháp luật không? Tôi có thể lấy lại nhà, đất đó hay không?

ĐẶNG THỊ MẬU (97/5 khu phố 2, phường Đông Hưng Thuận, quận 12)

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO, Đoàn luật sư TP.HCM: Theo khoản 1a Điều 91, khoản 1 Điều 96 Luật Nhà ở, nhà ở đem mua bán, tặng cho... buộc phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu theo quy định; việc bán nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả chủ sở hữu. Ngoài ra, theo khoản 1a Điều 106, khoản 3 Điều 146 Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, người sử dụng đất được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện quy định, trong đó phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất thuộc quyền sử dụng chung của nhóm người sử dụng đất thì phải được tất cả thành viên trong nhóm thống nhất và ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự.

Nếu chồng bà mất không để lại di chúc thì nhà, đất nêu trong thư thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung của bà và các con. Nếu việc bán nhà, cắt đất của người con gái không được thực hiện đúng theo quy định nêu trên thì giao dịch đó không được xem là hợp pháp. Đối với các tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho nhà, đất nêu trên, nếu có tên trong sổ đăng ký ruộng đất hay sổ địa chính thì bà và các người con còn lại có thể làm thủ tục khởi kiện ra tòa (sau khi đã được hòa giải tại UBND cấp xã) để được xem xét, giải quyết.

6. Không được đăng ký đất?

Tôi có một thửa đất do tự khai phá năm 1975. Năm 1999, tôi đăng ký thửa (là nền nhà) và không đăng ký thửa còn lại (đất trống và chuồng heo). Nay tôi đi đăng ký bổ sung thì không được địa phương chấp thuận với lý do nếu trước đây không đăng ký thì nay không được đăng ký. Vậy tôi phải làm sao?

TRƯƠNG TẤN CƯỜNG (161b ấp 1, xã Tân Hạnh, Biên Hòa, Đồng Nai)

Luật sư NGUYỄN ĐÌNH HÙNG, Đoàn luật sư TP.HCM: Theo khoản 2b Điều 38, khoản 2b, d Điều 41 Nghị định 181 ngày 29-10-2004 của Chính phủ, đăng ký quyền sử dụng đất lần đầu được thực hiện trong trường hợp người đang sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mọi người sử dụng đất đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trừ trường hợp đó là đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công do UBND cấp xã quản lý sử dụng; người đang sử dụng đất không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận theo luật định.

Nếu trước giờ là người trực tiếp sử dụng đất, ông có thể gửi đơn đề nghị chủ tịch UBND xã (và sau nữa là UBND huyện) xem xét lại việc đăng ký đất.(Theo bao PL TPHCM)


Xem phiên bản máy tính:

Chuyển nhượng nhà bằng giấy ủy quyền?